Chuyên gia nói gì về bệnh mỡ máu cao?

Trong những lần đi xét nghiệm máu, chúng ta thường nghe nói đến cụm từ: mỡ máu cao, tăng cholesterol máu. Nhưng có lẽ chúng ta cũng không hiểu rõ lắm thế nào là mỡ máu cao, chứng bệnh này có nguy hiểm không, nếu không điều trị kịp thời dẫn đến những biến chứng gì?.... Đó là nội dung trao đổi của MC Thúy Nga cùng hai chuyên gia PGS.TS Nguyễn Minh Hiện trưởng khoa Đột quỵ não, BV 103 và  PGS.TS Nguyễn Nhược Kim, Phó Chủ tịch Hội Đông y VN trong chương trình ”Sức khỏe cho mọi người” VTV2 về chủ đề Phòng ngừa biến chứng bệnh mỡ máu cao

 

MC Thúy Nga: Xin được hỏi PGS.TS Minh Hiện, thế nào là rối loạn mỡ máu?

PGS.TS Nguyễn Minh Hiện: Bệnh rối loạn mỡ máu, tên gọi chính xác là ”rối loạn lipid máu”. Lipid máu gồm có các thành phần:

1.Cholesterol toàn phần

2.Cholesterol tỉ trọng thấp là những cholesterol máu có hại: LDL-c và Triglycerid

3.Cholesterol tỷ trọng cao có lợi cho cơ thể: HDL-c

Khi có bất cứ thành phần nào trong các cholesterol xấu (số 1,2)  tăng lên là lúc người ta bị rối loạn lipid máu hoặc tăng mỡ máu.

MC Thúy Nga: Thưa PGS Nguyễn Nhược Kim hiện nay tỷ lệ mắc chứng bệnh này ở nước ta là như thế nào? Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc?

PGS.TS Nguyễn Nhược Kim: Theo thống kê tại Việt Nam năm 2010 có 100.000 người tử vong trong 1 năm do xơ vữa động mạch, nguyên nhân liên quan trực tiếp tới hàm lượng mỡ trong máu cao.

Những đối tượng có nguy cơ cao như: Thừa cân, béo phì, người có thói quen nghề nghiệp ít vận động, chế độ ăn uống chưa hợp lý, ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, dùng thuốc tránh thai... Ngoài ra chứng mỡ máu cao thường xuất hiện ở những bệnh lý khác như: Đái tháo đường, huyết áp cao,  suy thận.

MC Thúy Nga: Vì không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh thường hết sức chủ quan, tuy nhiên nếu không điều trị sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, vậy những biến chứng đó là gì? Xin PGS.TS phân tích rõ cho quý vị khán giả được biết?

PGS.TS Nguyễn Minh Hiện: Mỡ máu cao nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều những tác hại đặc biệt là những tác hại trên mạch máu, cụ thể đó là xơ vữa mạch máu.

Tại các mạch máu lớn như: Quai động mạch chủ có thể xảy ra phồng, bóc tách động mạch chủ.

Có thể tắc nghẽn động mạch chủ bụng ảnh hưởng đến hai chi dưới. Tại các mạch máu nhỏ dẫn đến các chi, các bộ phận, tắc nghẽn mạch có thể dẫn tới hoại tử chi. Động mạch não nếu bị xơ vữa, tắc nghẽn có thể sẫn đến đột quỵ chảy máu hay nhồi máu não. Tại tim có thể gây ra nhồi máu cơ tim, biểu hiện ban đầu là các cơn đau thắt ngực và những biến chứng này gây tỷ lệ tử vong rất cao đối với bệnh nhân.

MC Thúy Nga: Các thuốc tây được chỉ định dùng trong những trường hợp nào? Liệu trình điều trị lâu dài có gây ra tác hại cho cơ thể không ạ?

PGS.TS Nguyễn Minh Hiện: Thuốc tây thường được chỉ định trong trường hợp mỡ máu cao nhiều, các nhóm này có khả năng hạ mỡ máu tốt tuy nhiên có thể gây ra rối loạn chức năng gan thận, rối loạn tiêu hóa, yếu mỏi cơ… do vậy liệu trình điều trị của thuốc tây chỉ dùng trong khoảng 2 tháng để hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn này. Xu thế hiện nay là người bệnh thường sử dụng kết hợp giữa thuốc tây và y học cổ truyền để đảm bảo được tác dụng và hạn chế những tác dụng không mong muốn.

MC Thúy Nga: Vậy Y Học Cổ Truyền có những vị thuốc, bài thuốc nào để có thể hỗ trợ điều trị chứng bệnh mỡ máu cao?

PGS.TS Nguyễn Nhược Kim: Trong YHCT có nhiều vị thuốc hay bài thuốc có tác dụng hạ mỡ máu, trong đó nổi bật là 3 vị: Ngưu tất, Sơn tra, Dây thìa canh.

Ngưu tất được nghiên cứu từ những năm 90 do GS Đàm Thị Nhu, Viện trưởng Viện Dược liệu. Nghiên cứu Ngưu tất trên mô hình thực nghiệm và thấy rằng nó có tác dụng hạ cholesterol máu, sau đó chế ra viên Ngưu tất được cố GS Phạm Khuê ứng dụng điều trị trên lâm sàng và cũng thu được những kết quả đáng khích lệ, có tác dụng góp phần điều chỉnh rối loạn lipid máu. Năm 2006 TS Trần Văn Ơn – chủ nhiệm bộ môn Thực Vật Dược ĐH Dược Hà Nội nghiên cứu về Dây thìa canh trên mô hình dược lý, thấy ngoài tác dụng hạ đường huyết còn có tác dụng hạ cholesterol máu, hạ Triglycerid an toàn, không có tác dụng phụ. Ở những nước có nền YHCT tương tự với nước ta họ cũng đã có những công trình nghiên cứu về Sơn tra, như tại Trung Quốc các nhà khoa học thấy rằng Sơn tra có thể giúp giảm hấp thu cholesterol tại ruột.

MC Thúy Nga: Qua những câu trả lời của các BS, hy vọng là quý vị và các bạn đã có thêm những thông tin hết sức bổ ích về chứng bệnh mỡ máu cao.

Viết bình luận