Tác dụng của hà thủ ô với sức khỏe con người
Có câu “Muốn cho xanh tóc đỏ da – Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Từ lâu tác dụng của hà thủ ô đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc bổ, làm tăng cường sức khỏe và sự trẻ trung của cơ thể.
Chuyện kể rằng ngày xưa ở huyện Nam Hà, Trung Quốc, có một ông lão tên gọi Điền Nhi, thể trạng ốm yếu từ lúc mới lọt lòng. Trong 1 lần vào rừng, Điền Nhi đào được một củ lạ. Ông thử đem về tán nhỏ, hòa với rượu uống. Kỳ lạ thay, sau một thời gian uống, các bệnh đều khỏi, tóc bạc bỗng đen lại, da căng, ngực nở như mới đôi mươi. Ông sống khỏe mạnh, thọ đến 160 tuổi. Thứ củ mà ông tán để uống chính là hà thủ ô.
Có 2 loại hà thủ ô là: đỏ và trắng. Tuy nhiên, hà thủ ô đỏ mới là vị thuốc đúng dùng trong Đông y. Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có công dụng bổ can thận, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông tiện, làm đen râu tóc.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tác dụng của hà thủ ô có dược lý khá phong phú như điều chỉnh rối loạn lipid máu, giúp ngăn ngừa tình trạng vữa xơ động mạch, bảo vệ gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, tăng khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống các tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và giáp trạng. Ngoài ra, hà thủ ô còn có tác dụng kháng khuẩn, nhuận tràng, giải độc, tăng khả năng chống rét của cơ thể, chống lão hóa và giúp trẻ hóa da.
Bài thuốc có tác dụng làm đen râu tóc, khỏe gân xương của hà thủ ô
- 600g hà thủ ô đỏ, 600g hà thủ ô trắng ngâm với nước vo gạo bốn ngày đêm, cạo bỏ vỏ. Đậu đen đãi sạch, cho một lượt hà thủ ô, một lượt đậu đen vào chõ, đồ chín rồi bỏ đậu lấy hà thủ ô phơi khô, rồi lại đồ. Tiếp tục làm như vậy chín lần rồi lấy hà thủ ô sấy khô, tán bột. Việc này nhằm tận dụng chất antycyanidin trong đậu đen để giảm tính chát và gây táo bón trong hà thủ ô.
- 600g xích phục linh và 600g bạch phục linh, cạo vỏ, tán bột, đãi với nước trong đến khi sạch, lọc lấy bột lắng, nắm lại, tẩm với sữa mẹ rồi phơi khô.
- 320g ngưu tất tầm rượu khoảng một ngày, thái mỏng, đồ cùng hà thủ ô với đậu đen vào ba lần đồ cuối.
- 320g đương quy, 320g câu kỷ tẩm rượu, phơi khô, 320g thỏ ty tử tẩm rượu giã nát, phơi khô.
- 100g bổ cốt chi trộn với vừng đen, sao khô đến lúc thấy mùi thơm.
Một số bài thuốc chữa bệnh khác
Đông y có bài thuốc chữa thần kinh suy nhược, ăn uống khó tiêu dành cho người già yếu, trong đó hà thủ ô là vị thuốc chính: 10g hà thủ ô, 5g táo đen, 2g thanh bì, 3g trần bì, 3g sinh khương, 2g cam thảo, 600ml nước. Tất cả đem sắc đến khi còn khoảng 200ml, uống ba lần trong ngày.
Nếu có biểu hiện như da nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, bạn có thể bồi bổ khí huyết bằng cách ăn cháo nấu với hà thủ ô. Bạn nên bọc hà thủ ô trong vải thưa rồi cho vào nồi, nấu chung với cháo. Khi cháo nhừ, bạn vớt hà thủ ô ra, nêm nếm tùy theo khẩu vị.
Một cách để bạn dễ dàng sử dụng vị thuốc này là thái vụn hà thủ ô, ngưu tất, sinh địa, đường quy rồi hâm với nước sôi để uống thay trà.
Bạn có thể sử dụng hà thủ ô dưới dạng thuốc sắc, thuốc tán, thuốc viên đều có hiệu quả.
Cách chọn mua hà thủ ô
Trên thị trường hiện nay có loại hà thủ ô giả, kém chất lượng làm từ củ nâu hoặc hà thủ ô trắng. Để tránh mua phải hàng giả, bạn nên xem xét thật kỹ hoặc nhờ người biết về các vị thuốc Đông y đi cùng.
Hà thủ ô đỏ có hình dạng tương tự củ khoai lang, bề ngoài nhiều chỗ lồi lõm, cứng, khó bẻ. Miếng cắt ngang bên trong màu hồng, giữa thường có lõi gỗ cứng. Hà thủ ô đỏ có nhiều bột màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.
Nếu đang dùng hà thủ ô trị bệnh, bạn nên hạn chế ăn huyết động vật, củ cải, các loại gia vị như hành, tỏi. Người bị táo bón, tiêu chảy nhiều không nên dùng hà thủ ô. Bạn cần bảo quản hà thủ ô đã chế biến ở nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc vì khi bị mốc, chúng sẽ gây hại cho gan và thận.
Chú ý: Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng
Viết bình luận